Skip to main content

Công an nhân dân xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt, xây dựng, giáo dục và rèn luyện lực lượng Công an nhân dân (CAND) trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt. Trong đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về CAND đã hình thành như một tất yếu khách quan, là bộ phận cấu thành trong hệ thống tư tưởng của Người, trở thành nền tảng lí luận quan trọng của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND từ khi thành lập đến nay. 

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, CAND mang đậm bản chất giai cấp công nhân, có tính Đảng, tính nhân dân sâu sắc. Người khẳng định: “Công an của ta là CAND, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”. Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10, tháng 1 năm 1956, Người nhấn mạnh: “Nhân dân ta có hai lực lượng, một là Quân đội để đánh giặc ngoại xâm, để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình. Một lực lượng nữa là Công an, để chống kẻ địch trong nước, chống bọn phá hoại, có lúc chiến tranh, có lúc hòa bình, lúc chiến tranh thì Quân đội đánh giặc, lúc hòa bình thì tập luyện, còn Công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc”. “Nhiệm vụ của Công an là bảo vệ và phục vụ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân”. Vì vậy: “Đối với nhân dân, đối với Đảng, với cách mạng xã hội chủ nghĩa, trách nhiệm của Công an rất lớn, rất nặng nề”.

Về đặc điểm, tính chất công tác công an, Người khẳng định: “Công việc của Công an âm thầm nhưng rất quan trọng”, “Công an đánh địch bên ngoài đã khó, đánh địch bên trong người còn khó khăn hơn”, “Phải thấy càng vĩ đại bao nhiêu thì càng gian khổ bấy nhiêu. Và thấy gian khổ là để vượt qua chớ không phải để lùi bước”.

Cùng với việc xác định Công an phải có phương pháp tư duy biện chứng, biện pháp bạo lực, biện pháp kỹ thuật, Người luôn đặt biện pháp quần chúng lên hàng đầu và quan tâm xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa CAND với nhân dân. Công tác công an phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nhất quán quan điểm, phương châm “lấy dân làm gốc”: “Công an có bao nhiêu người?... Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. mục tiêu cơ bản và xuyên suốt của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; đó cũng là mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Công an nhân dân. Vì vậy, trong Bài nói tại buổi lễ thành lập Công an nhân dân vũ trang, Người khẳng định: “Thành lập được lực lượng Công an nhân dân vũ trang là một thành công về đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau giữa bộ đội và công an. Công an và quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính”.  Vì thế, trong quá trình trưởng thành, phát triển của lực lượng Công an phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự thống nhất quản lý của Nhà nước và Công an nhân dân luôn phải phục tùng vô điều kiện sự lãnh đạo, quản lý đó: “Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt. Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân”. Theo đó, một mặt, phải tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân của Công an nhân dân; đồng thời, nội bộ phải chung sức, đồng lòng, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao theo đúng lời dạy của Bác: “Đảng có lãnh đạo chính trị đúng, thì chuyên môn mới đúng. Công an nhân dân vũ trang, hay là quân đội cũng thế, phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng từ trên xuống dưới”. Mặt khác, phải kiên quyết phòng, chống mọi âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa”, tách Công an khỏi sự lãnh đạo của Đảng ta, hoặc đối lập giữa lực lượng Công an với Đảng, Nhà nước và nhân dân…

Công an nhân dân là lực lượng công cụ bạo lực cách mạng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Mục tiêu, lý tưởng chiến đấu Công an nhân dân quy định chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an. Vì thế, trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng chính trị, công cụ bạo lực sắc bén để chuyên chính với những lực lượng phản cách mạng. Vì vậy, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10, tháng 1 năm 1956, Người nhấn mạnh: “Nhân dân ta có hai lực lượng. Một là quân đội, để đánh giặc ngoại xâm, để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình. Một lực lượng nữa là công an, để chống kẻ địch trong nước, chống bọn phá hoại. Có lúc chiến tranh, có lúc hòa bình. Lúc chiến tranh thì quân đội đánh giặc, lúc hòa bình thì tập luyện. Còn công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc” 

Bản thân mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phải là những cán bộ dân vận giỏi nhất, tốt nhất; đặc biệt phải làm để dân tin, dân phục, dân yêu và tham gia vào các mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự ngày càng tự giác, hiệu quả. Trong Bài nói tại Hội nghị cán bộ Công an, ngày 29 tháng 4 năm 1963, Người nhấn mạnh: “Phải ra sức phát động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ trị an, giáo dục quần chúng nâng cao tinh thần làm chủ đất nước, tinh thần cảnh giác đối với kẻ thù của nhân dân, tích cực phòng và chống gián điệp biệt kích. Muốn đạt kết quả đó thì Công an phải hết lòng giúp đỡ nhân dân và dựa vào lực lượng hùng mạnh của nhân dân... Làm tốt những việc đó, thì chúng ta nhất định thắng được địch”. Tư tưởng đó của Người đã đặt nền móng cho việc xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận lòng dân vững chắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng lực lượng CAND vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Người yêu cầu xây dựng bộ máy tổ chức Công an phải mang tính dân chủ cao, giản đơn, thiết thực, hiệu quả, trong đó quan tâm xây dựng bộ máy Công an ở cơ sở, vùng biên giới, hải đảo. Người cán bộ Công an trong tư tưởng của Người thực sự là cái “gốc” của mọi công việc, được đề cập khoa học, toàn diện từ khái niệm, vị trí, vai trò, nhiệm vụ, tư tưởng, bản chất nhân văn của cán bộ đến tầm quan trọng của công tác cán bộ, nguyên tắc cơ bản trong tuyển chọn, đào tạo, sử dụng, đánh giá, kiểm tra, giám sát cán bộ Công an và thi đua - khen thưởng, kỷ luật trong CAND. 

Người luôn nhấn mạnh phẩm chất trung thành với Đảng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; đồng thời, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ Công an phải tu dưỡng, rèn luyện, xứng đáng là lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy để bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.Sau nhiều năm thực hiện chủ trương đưa công an chính quy về cơ sở, lực lượng công an xã Phú Bình đã phát huy trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh, góp phần quan trọng vào việc chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh từ cơ sở và giữ gìn bình yên thôn xóm.

Thực tiễn, kết quả triển khai các chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ Công an thời gian qua và những kết quả mang lại trong quá trình bảo đảm an ninh trật tự, hỗ trợ người dân vượt qua thiên tai, dịch bệnh… tại địa phương càng khẳng định tính đúng đắn, ưu việt từ chủ trương đưa Công an chính quy về xã của Bộ Công an. Phát huy vai trò là chỗ dựa tin cậy của quần chúng nhân dân, lực lượng công an xã Phú Bình cùng cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời những nguyện vọng, tâm tư, nguy cơ nảy sinh ngay từ cơ sở, phát huy sức mạnh nhân dân trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm…

Công an nhân dân vì nhân dân phục vụ. Với phương châm “lấy dân làm gốc”, lực lượng công an xã Phú Bình không chỉ kiên cường, quyết liệt trên mặt trận đấu tranh với các loại tội phạm, tận tụy, sẻ chia với nhân dân trong những thời khắc khó khăn, lực lượng Công an xã Phú Bình đã và đang trở thành điểm tựa vững chắc cho người dân…

“Qua công tác bám nắm địa bàn, Các chiến sĩ công an xã đã giải quyết có hiệu quả nhiều nguy cơ phát sinh tại địa bàn, có hiễu quả trong công tác phòng chống tội phạm, giải quyết nhiều vụ tranh chấp trên địa bàn. Các chiến sĩ công an xã đã và luôn không ngừng nghiên cứu tài liệu, văn bản quy phạm nhà nước và dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động chung với địa phương, nhân dân, tích cực gầy dựng, cũng cố niềm tin, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời kiên trì giải thích, vận động người dân đối thoại trực tiếp với cấp có thẩm quyền và công an xã để giải quyết nhanh chóng, hợp tình, hợp lý những vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Nhờ đó, chúng tôi đã tạo được sự tin tưởng, thoải mái với người dân khi thực thi công vụ”

Trong bối cảnh tình hình mới, lực lượng CAND tiếp tục nghiên cứu, học tập, quán triệt, phát triển nội dung, ý nghĩa cách mạng, khoa học, giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về CAND nhằm hoàn thiện cơ sở lý luận CAND và phương pháp, biện pháp, nghệ thuật công tác. Không ngừng chăm lo xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cơ chế phối hợp chặt chẽ, vận hành hiệu quả, nâng cao chất lượng tương tác và phục vụ nhân dân. Tiếp tục tổ chức tốt công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại; triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với Quân đội nhân dân và các ngành, các cấp, dựa vào nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, hội nhập và phát triển đất nước./.

Đồng chí Trần Thanh Trường, Uỷ viên Ban chấp hành - Trưởng công an xã