Skip to main content

Giáo viên trường THCS Phú Bình học tập và làm theo lời Bác trong nhiệm vụ giáo dục

Ngay sau khi Cách mạng tháng tám thành công năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tổ chức phong trào học tập trong toàn dân, mở mang, nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân, trước hết là xóa mù chữ, coi mù chữ là “giặc dốt”, đồng thời xác định đây là công việc lâu dài, góp phần quan trọng đánh thắng kẻ thù xâm lược, xây dựng xã hội mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Người đã đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của giáo dục của đất nước. Theo Người, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”; cả cuộc đời, người chỉ có “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập... đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Người luôn quan tâm tới công tác giáo dục và đào tạo, coi "giáo dục là quốc sách hàng đầu", đồng thời, có những tư duy mới mẻ, đi trước thời đại về giáo dục.

Với nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, ngay những ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bức thư tới các em học sinh nhân ngày khai trường, gửi gắm tình cảm, sự tin yêu và hy vọng vào thế hệ tương lai của đất nước “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. 

Ngày nay giáo dục đào tạo là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Ngành đã xây dựng một chương trình giáo dục toàn diện bao gồm đức, trí, thể, mỹ, đồng thời nhấn mạnh “cần chú trọng hơn nữa về mặt đức dục”, giáo dục trước hết là giáo dục đạo đức, bởi theo Bác: "Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Để giáo dục thế hệ trẻ, những mầm non của đất nước trở thành một công dân tốt không chỉ có đạo đức mà còn tài năng và ngược lại.

Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã đề ra 7 quan điểm chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhằm thực hiện mục tiêu: “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.

Với quan điểm giáo dục học sinh toàn diện cả về tri thức và đạo đức, nhà trường đã thực hiện nhiều biện pháp, từ chuyên môn đến các hoạt động ngoại khóa. Tùy theo mỗi khối lớp, mỗi độ tuổi học sinh để có những cách thức triển khai phù hợp, hiệu quả. Đối với học sinh từ tiểu học bước sang THCS, nhà trường luôn giáo dục, nhắc nhở các em làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, biết chia sẻ, giúp đỡ bạn bè, gia đình từ những việc làm nhỏ. Các phong trào ủng hộ đóng góp sách báo cũ, xây dựng quỹ kế hoạch nhỏ, ủng hộ các bạn khó khăn thông qua hình thức thu gom chai nhựa… đều rất đơn giản, gần gũi và thiết thực, được nhà trường phát động trong xuyên suốt trong các năm học, góp phần bồi đắp tâm hồn trẻ thơ, giáo dục phẩm chất, đạo đức của học sinh. Luôn dạy các em cách ứng xử có văn hóa từ văn hóa xếp hàng, tự phục vụ, cách xưng hô với bạn bè, thái độ khi giao tiếp, ứng xử với những người xung quanh, có ý thức, trách nhiệm làm những việc tốt, xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ. Nhà trường luôn chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, tăng cường nền nếp, kỷ cương; khắc phục tình trạng bạo lực học đường, tham gia giao thông an toàn và các hiện tượng tiêu cực khác nhằm xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, an toàn. 

 

ảnh: Phối hợp cùng với địa phương, Công an tuyên truyền về ATGT cho học sinh

Cùng với việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, mỗi thầy cô giáo luôn đặc biệt quan tâm kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm lý, phát hiện và xử lý những mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ của học sinh…; tổ chức, tạo điều kiện để học sinh tham gia các hoạt động thiện nguyện, cộng đồng xã hội nhằm giáo dục lòng nhân ái qua thực tiễn cuộc sống.

ảnh: Học sinh đóng góp cùng chung tay với địa phương xây cầu bê tông xã

Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh qua phong trào học và làm theo Bác được tổ chức thường xuyên và linh hoạt. Nhà trường đã triển khai lồng ghép, tích hợp vào hoạt động giảng dạy các môn học và các buổi sinh hoạt tập thể, hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, …. để các em thấm nhuần việc học tập và làm theo Bác từ những việc làm nhỏ trong sinh hoạt và học tập như: đoàn kết, thân ái với bạn bè, giúp đỡ những người khó khăn trong khả năng của mình, từng bước hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Các hoạt động được tổ chức có sự đồng hành của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên Đội, phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường thông qua các hoạt động về nguồn, giáo dục lịch sử, truyền thống địa phương, nói chuyện chuyên đề, triển khai thường xuyên các cuộc thi viết về Bác, tổ chức các chương trình ngoại khóa, trải nghiệm, hoạt động ngoài giờ lên lớp; đưa nội dung và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc vào giáo dục.

ảnh: Học sinh tham gia trò chơi rung chuông vàng tìm hiểu về lịch sử Đội TNTP HCM

Học theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, và phương châm của ngành, người học bao giờ cũng là trung tâm, dạy học nhằm phát triển trí tuệ, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học. Những năm qua tập thể giáo viên Trường THCS Phú Bình luôn bám sát để hiểu rõ đặc điểm đối tượng của từng học sinh từ đó có phương pháp dạy phù hợp nhằm đảm bảo tính vừa sức, căn cứ vào đặc điểm của học sinh, trình độ tiếp thu của từng em, năng lực và tâm lý của các em để có biện pháp giáo dục kịp thời; khơi gợi sự hứng thú trong học tập, kích thích khả năng tìm tòi để phát triển trí tuệ, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh.

Tập thể đội ngũ giáo viên, đảng viên của nhà trường luôn thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng, tổ chức sinh hoạt họp tổ hàng tháng, sinh hoạt chuyên môn có chất lượng, đúng định kỳ. Qua đó, mỗi cá nhân đều có nhận xét về việc học tập của bản thân, có kiểm điểm phê bình và tự phê bình. Đồng thời, đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã làm được hoặc chưa làm được của cá nhân và của tập thể nhằm để phát huy và khắc phục. Lấy kết quả của việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại giáo viên, đánh giá viên chức, người lao động vào cuối năm học. Và để nhân rộng gương điển hình, nhà trường  luôn theo dõi quá trình học tập của cá nhân giáo viên và các tổ chuyên môn qua các kỳ họp, giới thiệu những việc làm tốt trong và ngoài tổ chuyên môn để mỗi giáo viên học tập noi theo.

Như lời dạy của Bác “Làm việc gì cũng phải có cái tâm và yêu nghề thì chúng ta mới thành công được”. Nhà trường luôn có quan điểm không những truyền đạt kiến thức mà còn phải dạy bằng cả con tim, bằng cả tấm lòng.

Chính vì thế, mỗi giáo viên luôn gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; các quy định địa phương, của ngành; nội quy, quy chế nhà trường. Chăm lo rèn luyện, tu dưỡng đạo đức phong cách nhà giáo; có lối sống lành mạnh, giữ gìn uy tín người giáo viên:

- Có ý thức phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị.

- Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động khắc phục khó khăn, không ngại khó, ngại khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Tận tâm với công việc, hết mực thương yêu học sinh, tất cả vì học sinh thân yêu.

- Tôn trọng phụ huynh, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của phụ huynh. Phối hợp và thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập cũng như tâm sinh lý của học sinh. 

- Năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tối đa năng lực học sinh.

- Mỗi thầy cô giáo luôn có tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, có ý chí vươn lên để chiếm lĩnh tri thức khoa học, công nghệ và nghệ thuật sư phạm. Sáng tạo trong vận dụng tri thức và công nghệ mới vào quá trình giảng dạy. Tích cực cải tiến, làm mới ĐDDH phù hợp. Đổi mới, cải tiến phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy học, hiệu quả giáo dục.

- Thực hiện tốt công tác xã hội hóa nhằm giúp đỡ nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong nhà trường, giảm bớt phần nào gánh nặng cho gia đình các em.

Nhờ sự lãnh - chỉ đạo sâu sát của Đảng xã Phú Bình, sự chỉ đạo chuyên môn của Phòng giáo dục và đào tạo, chi bộ nhà trường luôn tạo điều  kiện thuận lợi cho giáo viên trong việc thực hiện chỉ thị 05-CT/TW của Bộ chính trị về tiếp tục “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” làm chuyển biến tích cực về nhận thức, tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên trong chi bộ, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm thực hiện tốt Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của chi bộ, địa phương. Xứng đáng là người con của đất An Giang trong thời đại mới.

ảnh: Giáo viên nhận khen thưởng thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi

Bác đã để lại muôn vàn tình yêu thương cho dân tộc Việt Nam, trong tình yêu thiêng liêng của Người. Người là quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ. Người là vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Đặc biệt đối với chúng ta, Bác là người thầy. Những lời dạy của Bác là những lời dạy quí báu được truyền từ những nhà giáo lão thành cho đến thế hệ con cháu mai sau. 

Việc đẩy mạnh học tập và làm theo Bác thông qua giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, giáo viên các nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học./.

Đặng Kim Xuyến