TẬP THỂ HỌC SINH TRƯỜNG THCS PHÚ BÌNH HỌC TẬP THEO BÁC VỀ TIẾT KIỆM TRONG SÁNG TẠO
Sinh thời, Chủ Tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về lối sống giản dị và thực hành tiết kiệm. Theo Bác: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước… Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính”. Qua đó, ta thấy “Kiệm” chính là đức tính thứ 2 mà Bác muốn nhấn mạnh cho con cháu mai sau. Vậy, “Kiệm” theo lời Bác muốn là cần làm như thế nào?
Để mọi người hiểu rõ hơn vấn đề này, Bác Hồ cũng đã diễn giải rằng tiết kiệm không phải là khắc khổ, là bủn xỉn đến mức nhịn ăn, nhịn mặc, mà trái lại, tiết kiệm để tạo cho mức sống ngày càng được cải thiện, nâng cao hơn: “Nếu ta khéo tiết kiệm sức người, tiền của và thời giờ, thì với sức lao động và tiền tài của nước ta hiện nay, ta có thể tăng gia sản xuất gấp bội mà lực lượng của ta về mọi mặt cũng tăng gấp bội”. Thấm nhuần với lời dạy của Bác, bản thân tôi nhận thấy rõ tiết kiệm không phải là những chuyện xa xôi mà đó chính là những hành động, những việc làm hàng ngày như: tái sử dụng vật liệu đã bỏ đi, tiết kiệm giấy, điện, nước nơi ở và nơi làm việc. Tất nhiên, khi việc tiết kiệm có thể trở thành một thói quen hàng ngày sẽ mang lại sự phát triển hiệu quả và bền vững cho cả một thế hệ tương lai.
Đến đây, tôi lại nhớ về 2 câu thơ trong bài “Người đi tìm hình của nước” của nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:
“… Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương…”
Có lẽ, nhân vật chính trong bài thơ cũng không biết được rằng ngày ra đi xa quê hương cắt như ruột gan năm ấy, cũng chính là ngày mang lại hi vọng và tương lai tốt đẹp cho đất nước ta bây giờ. Có lẽ, chính Bác cũng chưa tưởng tượng được cảnh đất nước ta tươi đẹp như thế nào từ sự hi sinh của Bác. Tôi muốn nhắn nhủ thật to với người rằng: đất nước Việt Nam của Bác bây giờ đẹp lắm Bác ơi, mọi người đều ấm no, đều hạnh phục, các cháu đều được đến trường và được bao bọc dưới lá cờ của Đảng. Và tôi chợt nhận ra không biết tự bao giờ mà việc học tập làm theo gương Bác đã ăn sâu vào tư tưởng bao thế hệ, trong đó có cả bản thân tôi. Là một giáo viên, tôi thực hiện việc tiết kiệm thường xuyên. Và tất nhiên, tôi cũng luôn đặt nhiệm vụ hàng đầu là cần giáo dục các em học sinh trường THCS Phú Bình thực hành tiết kiệm trong việc học.
Trước tình hình hội nhập của Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 vào các cấp học, việc tạo sản phẩm trong học tập ở các bộ môn diễn ra thường xuyên và liên tục. Vậy nên, vấn đề đặt ra cho các giáo viên chúng tôi chính là làm sao để vừa truyền tải được kiến thức mới và vừa giúp các em tiết kiệm chi phí trong học tập, nhằm hưởng ứng phong trào học tập theo Bác về vấn đề tiết kiệm.
Với gần 700 học sinh, trường THCS Phú Bình, cũng khá đau đầu về vấn đề rác thải ra là giấy vụn và các chai nhựa. Đã có rất nhiều phong trào ra đời từ thầy TPT đội của trường, về các phong trào thu gom giấy vụn, thu mua vỏ chai nhựa,… tiết kiệm heo đất. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng vẫn nằm ở việc giáo dục ý thức tiết kiệm từ bản thân các em học sinh. Vì thế, tôi đã tiến hành gợi mở, định hướng và nhận được các tính hiệu rất tích cực từ các em về vấn đề dùng vật liệu thay thế để thực hành sáng tạo sản phẩm nộp bài trong học tập. Các em say mê sáng tạo, say mê khám phá, tìm hiểu về việc dùng nguyên liệu thay thế để thực hành một cách hiệu quả ngoài mong đợi của tôi, khi áp dụng vào các dạng bài tập của bộ môn Mỹ thuật. Biến giờ Mỹ thuật thành một giờ vui vẻ sáng tạo khoa học, chứ không chỉ đơn giản là một tiết học khô khan nữa.
Tiếp theo chính là những hình ảnh các em tham gia sáng tạo sản phẩm trong lớp học từ các nguyên liệu thay thế không tốn chi phí:
ảnh: Làm trang phục nhân vật 3D từ vỏ bắp khô.
Thông qua các tiết học thực hành sinh động, các em cũng hào hứng khi nhận thấy những vật được cho là rác thải phải ra ngoài môi trường, thì bây giờ các em vẫn có thể tự do sáng tạo, sửng dụng lại để tạo ra các tác phẩm đẹp và có thể tái sử dụng một cách hiệu quả. Sau đây là một số hình ảnh sản phẩm các em thực hành tiết kiệm thông qua các tiết học trên lớp của bộ môn mỹ thuật tạo sản phẩm
ảnh: Các sản phẩm sử dụng được từ các nguyên liệu tái sử dụng của các em học sinh.
Không dừng lại ở đây, mà cả thời gian sắp tới, tôi vẫn sẽ luôn giáo dục các em học tập theo hướng tiết kiệm nhất có thể các chi phí, giúp các em thấm nhuần lời dạy của Bác về việc sống lao động và tiết kiệm song song. Không chỉ bản thân tôi, mà các giáo viên của trường cũng nhận thấy sự tiến bộ về ý thức tiết kiệm của các em phát triển hàng ngày hàng giờ, thông qua các sản phẩm mà các em thể hiện.
Bản thân thôi vẫn luôn rất tự hào về khà năng sáng tạo các sản phẩm và tìm tòi các nguồn nguyên vật liệu mới lạ để thực hành của các em, dù chỉ là những việc làm rất nhỏ. Nhưng từ đó, đã giúp các em thật sự được thấm nhuần lời dạy của Bác. Bởi đối với Bác, bất cứ làm việc gì, sử dụng cái gì dù lớn dù nhỏ cũng đều phải tiết kiệm. Vì theo Bác tiết kiệm cũng như cái thùng có đáy, nước đổ vào không thể đi đâu được. Thế nên, Bác Hồ luôn nhắc mọi người: “Cần với kiệm phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người”. Bác Hồ còn dẫn câu ngạn ngữ để mọi người dễ hình dung cái kiểu cần mà không kiệm: “làm chừng nào xào chừng ấy”, thì: “cũng như một cái thùng không có đáy; nước đổ vào chừng nào chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không”.
Từ những điều tất yếu mà Bác đã dạy chúng ta, tôi thiết nghĩ: tôi cùng các HS của Trường THCS Phú Bình sẽ càng vững lòng tin hơn nữa về hướng đi của mình về việc thực hành tiết kiệm theo lời Bác dạy. Bởi vỉ “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi là lấp biển, quyết chí ắc làm nên”.
Tóm lại, bản thân tôi luôn hi vọng và quyết tâm với tất cả các em học sinh trường THCS Phú Bình cùng cả hệ thống chính trị sẽ thực hiện tốt theo lời dạy của Bác về thực hành tiết kiệm trong cuộc sống học tập và lao động. Bởi “tiết kiệm cũng như cái thùng có đáy, nước đổ vào không thể đi đâu được”.
Nguyễn Ngọc Hương