Xây dựng văn hóa Công an nhân dân theo Sáu điều Bác Hồ dạy về Tư cách người Công an cách mệnh!
Văn hóa được hiểu với nhiều nghĩa khác nhau, nhưng dưới tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “văn hóa là sự tổng hợp mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn, có vị trí, vai trò to lớn trong cuộc sống”. Văn hóa giữ vai trò vừa là động lực, vừa là mục tiêu, đáp ứng nhu cầu đời sống của con người, luôn được coi trọng ngang bằng với chính trị, kinh tế, xã hội, thậm chí theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Đối với lực lượng CAND, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt với hàng trăm lượt thăm hỏi, cuộc nói chuyện, gửi thư động viên. Qua đó, đã truyền tải tư tưởng, quan điểm của Người về bản chất, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, phương pháp công tác, chiến đấu của lực lượng CAND. Hơn thế nữa, mỗi lời huấn thị, sự quan tâm của Người luôn luôn hướng tới xây dựng bản sắc văn hóa truyền thống của lực lượng CAND “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, là một bộ phận cấu thành nền văn hóa dân tộc. Trong đó, Sáu điều Bác Hồ dạy về Tư cách người Công an cách mệnh là tác phẩm tiêu biểu về đạo đức, phương châm, hành động, thái độ ứng xử, mục tiêu phấn đấu, rèn luyện của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an. Đây cũng chính là tư tưởng lớn, tầm chỉ đạo chiến lược trong xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng và xây dựng văn hóa CAND.
Văn hoá Công an nhân dân ra đời và đồng hành cùng với lực lượng Công an nhân dân suốt 80 năm qua, là toàn bộ những giá trị được kết tinh trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lực lượng Công an nhân dân, biểu hiện thông qua hệ thống các chuẩn mực về tinh thần và hành vi ứng xử của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, hướng tới những giá trị tốt đẹp nhất, tạo ra nét độc đáo, riêng biệt, đồng thời là sức mạnh của toàn lực lượng. Văn hóa Công an nhân dân như một nguồn lực đặc biệt, vừa là niềm tự hào của lực lượng Công an nhân dân, vừa là sợi dây kết nối, vừa là bệ đỡ vững chắc trong thực thi nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự góp phần cùng đất nước vượt qua những thách thức, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, thành tựu vĩ đại trong kỷ nguyên vươn mình.
Các giá trị truyền thống của văn hoá Công an nhân dân chứa đựng sức mạnh nội sinh, tạo động lực trong công tác và chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân. Nền tảng nội lực của văn hoá Công an nhân dân được nhận biết từ các giá trị truyền thống như: vì dân phục vụ, tận trung với nước, tận hiếu với dân, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và lý tưởng chủ nghĩa xã hội, thấm nhuần sâu sắc Sáu điều Bác Hồ dạy về tư cách người Công an cách mệnh. Những giá trị này có khả năng tác động, ảnh hưởng và định hướng đối với quá trình thực thi nhiệm vụ của toàn lực lượng.
Trong bối cảnh Việt Nam đang vươn mình và nỗ lực hiện đại hóa, văn hóa nói chung, văn hoá Công an nhân dân đóng vai trò là sức mạnh nội sinh song hành cùng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. Bản thân mỗi chiến sĩ công an nhân dân đều thấm nhuần sâu sắc Sáu điều Bác Hồ dạy với những yêu cầu rất cụ thể đối với từng cán bộ, chiến sĩ:
Thứ nhất, đối với tự mình, phải “cần, kiệm, liêm, chính”. Đó là lẽ sống, là tiêu chí phấn đấu của mình. Thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân, trau dồi đạo đức cách mạng, gạt bỏ những tính toán vụ lợi, tư tưởng chia rẽ, bè phái, ích kỷ ra khỏi đời sống sinh hoạt hằng ngày để có hành vi ứng xử tốt. Ở bất cứ vị trí công tác nào, mỗi cán bộ, chiến sĩ cũng phải cần cù, tận tâm, tận lực, chịu khó tìm tòi, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phải biết tiết kiệm thời gian, tiền bạc, của cải vật chất của tập thể, bản thân, không xa hoa, lãng phí; có lối sống trong sạch, lành mạnh; phải ngay thẳng, nói đi đôi với làm; có dũng khí đấu tranh bảo vệ lẽ phải, dám lên án những điều sai trái, cái xấu; lấy thường xuyên tự phê bình, “tự soi, tự sửa” là phương thức để hoàn thiện và phát triển bản thân.
Thứ hai, đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. Đây là lối ứng xử mang đậm tính nhân văn, là cội nguồn sức mạnh đoàn kết, là cơ sở quan trọng tạo nên sức mạnh của lực lượng CAND. Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải bắt đầu từ đoàn kết, thân ái để học tập những điều hay, điều tốt của đồng đội, phải luôn có ý thức chăm lo xây dựng mối đoàn kết nội bộ, mọi người giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong hành trình phấn đấu cho sự nghiệp chung của Đảng.
Thứ ba, đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Điều đó được thể hiện bằng hành động “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “chỉ biết còn Đảng thì còn mình”; thái độ kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng; tinh thần nhiệt tình cách mạng, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Đảng, Tổ quốc và Nhân dân cần đến; là ý chí phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Thứ tư, đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đây là nguyên tắc bất di, bất dịch mà mỗi cán bộ, chiến sĩ phải hằng ngày, hằng giờ và suốt đời mình phải thực hiện cho đúng, cho tốt. Đó là thái độ làm việc tận tâm, tận lực giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, “lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình”. Trong khi làm nhiệm vụ cũng như cuộc sống hằng ngày, cán bộ, chiến sĩ Công an phải luôn giữ đúng lễ tiết, tác phong, tận tình, chu đáo khi quan hệ tiếp xúc với nhân dân, không được có thái độ cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân. Có như vậy mới được nhân dân, tin tưởng, yêu mến, giúp đỡ, mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ năm, đối với công việc, phải tận tụy. Đó là sự toàn tâm, toàn ý, hết lòng hết sức làm việc; tích cực đổi mới, cải tiến phương pháp làm việc, hình thành tác phong làm việc chu đáo, nền nếp, khoa học và hiệu quả. Thường xuyên suy nghĩ, đổi mới cách làm, tìm tòi những biện pháp, phương án tối ưu để công việc được tiến hành nhanh chóng, đạt hiệu quả cao nhất. Chỉ có tận tụy với công việc mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ sáu, đối với kẻ địch, phải cương quyết, khôn khéo. Điều này thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của người cán bộ Công an khi đối mặt với các loại tội phạm; là sự kết hợp uyển chuyển giữa sách lược và chiến lược, giữa nguyên tắc và phương pháp đấu tranh, giữa ý trí và tình cảm của cán bộ Công an trong cuộc chiến đấu cam go, khốc liệt với tội phạm. Người chiến sĩ Công an vừa phải có ý chí và sức mạnh chính nghĩa, vừa phải có trí tuệ và tính nhân văn; vừa đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn hoạt động, hành vi sai trái của đối tượng, vừa vận động, thuyết phục, cảm hóa để họ từ bỏ con đường phạm tội.
Thấm nhuần Sáu điều Bác Hồ dạy về Tư cách người Công an cách mệnh giúp nâng cao văn hóa Công an nhân dân và góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của cán bộ, chiến sĩ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, điều lệnh CAND, đảm bảo tính chuyên nghiệp trong hoạt động thực thi nhiệm vụ; đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Xây dựng đơn vị kỷ cương, kỷ luật, đoàn kết; hướng tới củng cố lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với lực lượng Công an nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Mỗi đơn vị trong Công an nhân dân cần coi trọng việc xây dựng văn hóa từ trong Đảng. Công tác xây dựng văn hóa trong Đảng cần tiếp tục chú trọng, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; nhận thức của cán bộ, đảng viên về xây dựng và thực hiện văn hóa Công an nhân dân phải được nâng cao. Xây dựng văn hóa Công an nhân dân sẽ góp phần nâng cao sức mạnh nội sinh trong tiến trình xây dựng và phát triển lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Xây dựng văn hóa từ trong Đảng chính là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và truyền thống của lực lượng Công an nhân dân, đồng thời đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế. Nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Văn hóa Công an nhân dân là công cụ quan trọng và không thể thiếu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai mọi chủ trương của Đảng, Nhà nước, Đảng uỷ Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, đồng thời tạo ra động lực cho cán bộ, chiến sĩ và sự đoàn kết trong các đơn vị. Văn hóa Công an nhân dân là nền tảng để đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số trong các đơn vị Công an nhân dân.
Xây dựng và thực hiện văn hóa Công an nhân dân là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị và của cán bộ, đảng viên; phải được cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch công tác của cấp ủy, tổ chức đảng, đơn vị. Cấp ủy lãnh đạo, triển khai, tạo sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận để toàn thể cán bộ, chiến sĩ cùng hưởng ứng, tham gia; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong thực hiện văn hóa Công an nhân dân.
Qua nhiều năm xây dựng văn hoá Công an nhân dân, 6 điều Bác dạy luôn là kim chỉ nam trong mọi hành động của cán bộ chiến sĩ CAND cả nước nói chung và Công xã Phú Bình nói riêng. Những lời dạy quý báu của Người vẫn tươi nguyên giá trị, bởi nội dung, ý nghĩa sâu sắc, toàn diện đối với quá trình công tác, chiến đấu, tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ chiến sĩ Công an. Đó là những phẩm chất không thể thiếu, là nhân tố quyết định để lực lượng Công an hoàn thành xuất sắc yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội sẽ rất nặng nề, khó khăn, đòi hỏi lực lượng CAND phải nỗ lực cố gắng vượt bậc, nêu cao bản lĩnh chính trị, ý thức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân, không ngừng học tập nâng cao trình độ, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Để 6 Điều bác Hồ dạy CAND thực sự đi vào chiều sâu và hiệu quả, thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau đây:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, yêu cầu của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đến từng cán bộ chiến sỹ CAND; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện làm theo sát thực, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và việc làm theo, nêu gương của CBCS làm thước đo kết quả học tập và làm theo gương Bác Hồ.
Hai là, tiếp tục nêu cao vai trò của cấp ủy, thủ truởng đơn vị trong thực hiện 6 Điều Bác Hồ dạy CAND, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, chú trọng làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực, cụ thể hằng ngày của mỗi đơn vị, cá nhân. Coi trọng vai trò tiên phong, gương mẫu, nêu gương “nói đi đôi với làm” của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong toàn lực lượng.
Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền, mở chuyên mục; tăng lượng phóng sự, bài viết phản ánh sâu sắc về những mô hình kinh nghiệm hay, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, làm theo 6 điều Bác Hồ dạy CAND. Tăng cường phối hợp, tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung và 6 điều Bác Hồ dạy CAND nói riêng vào các dịp lễ trọng đại của đất nước và ngày truyền thống của lực lượng CAND (19-8). Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Trong thời gian tới, tiếp tực thực hiện chỉ đạo của Đảng, toàn lực lượng công an xã Phú Bình quyết tâm nâng cao nhận thức và đẩy mạnh xây dựng, thực hiện văn hóa Công an nhân dân tới từng đảng viên, cán bộ, chiến sĩ; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại; quan tâm hơn nữa đời sống của cán bộ, chiến sĩ, nhất là trong giai đoạn hiện nay - giai đoạn của sự biến đổi nhanh chóng, phức tạp, đa dạng của đời sống, các tác động của mặt trái cơ chế thị trường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện văn hóa Công an nhân dân; kịp thời biểu dương khen thưởng, nhân rộng các mô hình về xây dựng văn hóa Công an nhân dân, để văn hóa Công an nhân dân ngày càng được phát huy, trở thành giá trị cốt lõi, mang trong mình giá trị riêng, bản sắc riêng - bản sắc văn hóa Công an nhân dân, để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh cho lực lượng Công an nhân dân phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chiến sĩ Đoàn Phi Thoàn